Sáng nay,ôngkhíônhiễmgâyhạisứckhỏethếnàrồng bạch kim nhiều trạm quan trắc ở Hà Nội hiển thị chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức rất xấu hoặc nguy hại. Theo AirVisual, chỉ số bụi mịn PM2.5 hôm nay tại thành phố cao gấp 8,5 lần chỉ số chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hệ thống tổng hợp ô nhiễm không khí IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 4 trên thế giới với chỉ số tổng hợp 199.
Trang Pam Aircũng ghi nhận nhiều nơi có chất lượng không khí rất xấu, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe mọi người. Tương tự, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đánh giá chất lượng không khí đang có xu hướng diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, cho rằng chỉ số ô nhiễm không khí cao như sáng nay tại Hà Nội không bất thường mà tình trạng lặp đi lặp lại hàng năm và vẫn chưa có biện pháp để xử lý triệt để. Ô nhiễm thường tập trung từ tháng 10-11 đến tháng 3-4 năm sau. Trong điều kiện thời tiết gió lặng, mù, ẩm thấp, ít nắng, độ ẩm không khí cao khiến các chất không khuếch tán được gây ô nhiễm kéo dài.
"Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nhiều ngày, nồng độ bụi mịn ở mức cao sẽ rất có hại cho sức khỏe, đặc biệt là nhóm người già và trẻ nhỏ", ông Tùng nói.
Cụ thể, bác sĩ Lê Hoàn, Trưởng Khoa Nội tiết - Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng hệ hô hấp bị ảnh hưởng nặng nhất, ngoài ra còn có da, mắt... Khi vào cơ thể, bụi mịn sẽ xâm nhập vào đường thở, gây tổn thương niêm mạc khí quản, phế quản. Chúng còn đi sâu vào các phế nang, nơi tận cùng của cơ quan trao đổi khí, làm viêm, xơ hóa phế nang dẫn đến nhiều bệnh lý về hô hấp. Nếu tiếp xúc lâu dài, bệnh diễn biến phức tạp, gây các bệnh phổi mạn tính.
Năm 2022, một nghiên cứu từ Đại học Chicago, Mỹ, cho thấy ô nhiễm không khí có thể làm giảm tuổi thọ trung bình xuống hơn hai năm, tương đương tác hại của hút thuốc lá. Viện Chính sách Năng lượng của Đại học Chicago (EPIC) khuyến cáo tiếp xúc liên tục với 10 µg/m³ PM2.5 sẽ làm giảm khoảng một năm tuổi thọ.
WHO nhận định ô nhiễm không khí là "kẻ giết người thầm lặng". Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, bệnh nhân bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn. Khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp liên quan ô nhiễm không khí.
Các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần chú ý ăn uống sạch, vệ sinh mũi họng hàng ngày. Đeo khẩu trang khi ra đường để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Hạn chế lưu thông lúc đường đông hay đi vào khu ô nhiễm như khu công nghiệp.
Tăng cường tập thể dục nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng. Bổ sung vitamin, khoáng chất từ rau xanh, trái cây, nước ép... để tăng cường miễn dịch.
Các địa phương cần tăng cường kiểm soát nguồn thải, che chắn các công trình xây dựng để không phát tán bụi ra môi trường. Người dân không đốt rơm rạ, rác, xả chất thải ra ngoài khiến ô nhiễm nghiêm trọng hơn.
Thùy An